GIẢM HAM MUỐN TÌNH DỤC, LẠNH TAY CHÂN DO THUỐC
Điểu trị bệnh tăng huyết áp với thuốc hạ áp beta-blocker (chẹn beta) cần lưu ý những tác dụng phụ như sau: lạnh tay chân, giảm ham muốn tình dục, ho khan, khò khè, mệt mỏi, mất ngủ
Tham khảo 5 cách đơn giản giúp giảm chứng Lạnh Tay Chân gây ra do dùng thuốc hạ áp chẹn beta
LƯU Ý QUAN TRỌNG!
THUỐC HẠ ÁP CHẸN BETA (beta-blocker)
LẠNH TAY CHÂN. GIẢM HAM MUỐN TÌNH DỤC
Nếu bạn được Bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp và đang uống thuốc hạ áp chẹn beta, nhất định đọc kỹ bài viết dưới đây!
Đầu tiên cần tìm hiểu tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch.
- Huyết áp gồm có hai con số ví dụ 130/80mmHg, 140/90mmHg.
Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu).
- Theo khuyến cáo hiện nay của Hội tim mạch Châu Âu và Hội tim mạch Việt Nam, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg (Hội Tim mạch Hoa Kỳ quy định hơi khác, khi huyết áp ≥130/80mmHg sẽ gọi là tăng huyết áp). Tức là huyết áp bình thường phải nhỏ hơn 140/90mmHg.
Đo huyết áp để biết và theo dõi chỉ số huyết áp của mình
Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận, đột quỵ…
Tăng huyết áp được chia làm hai thể: tăng huyết áp tiên phát (tăng huyết áp vô căn) và tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp có nguyên nhân). Tăng huyết áp vô căn là thể tăng huyết áp thường gặp nhất, chiếm 90% và không xác định được nguyên nhân gây tăng huyết áp.
Cơn tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đột ngột tăng cao lên trên 180/120mmHg. Cơn tăng huyết áp được chia làm hai loại: tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn cấp. Tăng huyết áp cấp cứu được định nghĩa là huyết áp tăng trên 180/120mmHg và có bằng chứng tổn thương cơ quan đích (bệnh lý não do tăng huyết áp, tổn thương võng mạc, suy thận cấp, nhồi máu cơ tim, bóc tách động mạch chủ). Tăng huyết áp khẩn cấp thì chưa có tổn thương cơ quan đích. Nhưng cả hai thể đều phải điều trị ngay và kịp thời.
Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc điều trị suốt đời, đo huyết áp hàng ngày và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Trong rất nhiều nhóm thuốc điều trị bệnh lý tăng huyết áp, một trong những nhóm đó là thuốc chẹn beta (beta-blocker). Đây là thuốc tác dụng lên thụ thể beta ở tim và mạch máu. Một số tên hoạt chất và thương mại như sau:
Acebutolol (Sectral), Carvedilol (Dilatrend), Bisoprolol (Concor), Penbutolol sunfat (Levatol), Nebivolol (Bystolic), Pindolol (Visken), Propranolol (Inderal LA, InnoPran XL), Solotol hydrochloride (Betapace), Metoprolol succinate (Betaloc Zok), Timolol maleat (Blocadren), Atenolol (Tenormin), Metoprolol tartrate (Lopressor)
Ngoài ra, thuốc chẹn beta còn được điều trị cho các bệnh lý khác như
- Đau thắt ngực
- Rối loạn nhịp tim
- Nhồi máu cơ tim
- Suy tim
- Tăng nhãn áp, cường giáp, đau nửa đầu, Migraine…
Ngoài tác dụng hạ huyết áp, cũng như nhiều loại thuốc khác thuốc chẹn beta cũng có một số tác dụng phụ đáng lưu ý
- Lạnh tay chân
- Mệt mỏi, tăng cân
- Mất ngủ, nhịp tim chậm, ho khan, khó thở, đau ngực, thở khò khè
- Rối loạn giấc ngủ, ù tai, chóng mặt, hoa mắt
- Giảm ham muốn tình dục, liệt dương
- Trầm cảm
- Beta-blocker có thể gây tăng triglycerides và giảm cholesterol “tốt” HDL trong ngắn hạn.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc chẹn beta
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên: thuốc chẹn beta sẽ làm che lấp đi các dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu thấp. Do đó, bệnh nhân sử dụng thuốc chẹn beta cần kiểm tra đường huyết thường xuyên. Đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường
- Cần đo đếm nhịp tim hàng ngày và báo ngay với Bác sĩ của bạn khi nhịp tim chậm hơn bình thường vì thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim.
- Lưu ý đến hơi thở, hô hấp vì thuốc chẹn beta có thể gây co thắt phế quản, gây khò khè, khó thở do đó những người bệnh hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên sử dụng thuốc.
- Giảm liều từ từ. Không dừng thuốc một cách đột ngột, nếu không thuốc sẽ phản tác dụng, làm tăng huyết áp và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Tránh uống thuốc beta-blocker chung với cà phê hoặc thức uống có cồn
- Không uống thuốc hạ áp beta-blocker chung với thuốc cảm, kháng histamine (antihistamines) hoặc kháng acid (antacid) trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng vì sẽ xảy ra tương tác thuốc.
- Nước ép bưởi có thể làm ảnh hưởng đến cơ chế tác động của thuốc chẹn beta. Trong thời gian sử dụng thuốc nên kiêng nước ép bưởi, ăn bưởi.
- Nếu bệnh nhân đang uống thuốc chẹn beta cần nhổ răng, phẫu thuật, cần báo ngay cho Bác sĩ biết bạn đang uống thuốc hạ áp chẹn beta.
Về tác dụng phụ lạnh tay chân, các bạn tham khảo 5 cách sau đây giúp cải thiện tình trạng tay chân lạnh nhé
Cách 1: Ngâm ấm tay chân với gừng và muối, nước ấm 40-50oC
Cách 2: Thể dục, vận động như đi bộ, yoga, thái cực quyền, dịch cân kinh
Tham khảo luyện tập phất tay Dịch Cân Kinh, phương pháp rất đơn giản dễ thực hiện cho cả người cao tuổi, phụ nữ sau sinh, trẻ em để tăng cường lưu thông máu đến tay chân và giảm một số triệu chứng các bệnh mạn tính giúp giảm tình trạnh lạnh tay chân
Cách 3: Mát xa lòng 2 bàn tay, bàn chân bằng cách chà xát 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân liên tiếp 10 lần hoặc đến khi hết lạnh tay chân.
Cách 4: Bổ sung thức ăn giàu chất sắt, giúp tăng tạo máu như lòng đỏ trứng gà, thịt bò, đậu nành, củ dền, cải thìa, cải xoăn, bông cải xanh…
Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giúp gia tăng thể tích tuần hoàn, giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
Cách 5: Nghỉ ngơi ở tư thế nằm, ngủ đủ giấc và thực hiện cách 30-30-30 khi thức dậy, tránh thay đổi thư thế đột ngột.
Nằm yên 30 giây sau khi thức giấc, không ngồi bật dậy
Ngồi lên nhẹ nhàng và giữ yên 30 giây, không vội vã bước xuống khỏi giường
Đứng lên và giữ yên 30 giây, sau đó từ từ bước đi, khởi đầu một ngày tốt lành!
Chúc các bạn dù đang điều trị bệnh tăng huyết áp với beta-blocker vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời và nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội.
Bạn hãy chia sẻ bài viết này đến người thân đang sử dụng thuốc hạ áp beta-blocker
Các bài viết của www.lanhtaychan.com có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa của Bác sĩ.
-Bác sĩ Ánh Dương-
Nguồn tham khảo www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertension-treatment-beta-blockers#1
GEL GIỮ ẤM, MỜ RẠN SAU SINH
Hotline: 088 600 9044
Xem thêm