Vắc-xin COVID-19 trở nên kém hiệu quả hơn trong ngăn ngừa lây nhiễm?
Vắc-xin COVID-19 trở nên kém hiệu quả hơn trong ngăn ngừa lây nhiễm? Có thể theo thời gian đáp ứng miễn dịch suy yếu dần. Liều tăng cường đang được cân nhắc.
VẮC-XIN COVID-19 KHÔNG HIỆU QUẢ NHƯ TỪNG ĐƯỢC KỲ VỌNG?
Nghiên cứu ở Minnesota cho thấy khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm được mang lại từ vắc-xin Pfizer/BioNTech đã giảm từ 89% xuống 42% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2021.
Theo các nghiên cứu mới, sự gia tăng số người được tiêm chủng song vẫn bị nhiễm COVID-19 đã đặt ra mối nghi ngờ về hiệu quả lâu dài của vắc-xin Covid-19, bao gồm cả một nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ đạt được từ tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech giảm nhanh hơn so với tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Một nghiên cứu của trường đại học Oxford (Anh) đã được công bố cho thấy hiệu quả của vắc-xin Pfizer/BioNTech chống lại nhiễm COVID-19 có triệu chứng gần như giảm một nửa sau bốn tháng và những người được tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta (loại biến thể dễ lây nhiễm hơn) có tải lượng virus cao như người chưa được tiêm chủng.
Hai tài liệu nghiên cứu của Mỹ và Qatar cũng đã thúc đẩy cuộc tranh luận về sự cần thiết phải tiêm liều tăng cường vắc-xin COVID-19 khi họ phát hiện ra rằng số lượng ca "nhiễm đột phá" (tức là hiện tượng nhiễm bệnh dù đã tiêm vaccine đầy đủ) cao hơn dự đoán, mặc dù khả năng bảo vệ chống lại các trường hợp diễn tiến COVID-19 nặng, nghiêm trọng dường như được giữ vững.
Natalie Dean, Giáo sư thống kê sinh học tại Đại học Emory, cho biết sự lây lan của biến thể Delta đã khiến việc ngăn chặn sự lây nhiễm trở nên “khó khăn hơn rất nhiều”.
Theo bà: “Tình hình đã thay đổi liên quan đến việc chúng tôi nghĩ rằng vắc-xin có thể đưa chúng tôi đi xa đến đâu. Chúng tôi đã được đưa trở lại một mục tiêu khiêm tốn hơn - nhưng vẫn rất quan trọng - đó là ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong.”
NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT CHO THẤY ĐIỀU GÌ?
Các nhà khoa học của Oxford cho thấy hiệu quả của vắc-xin giảm xuống kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến ở Anh vào tháng 5/2021. Mặc dù lần đầu tiên tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả hơn, nhưng từ bốn đến năm tháng sau liều thứ hai, hiệu quả của nó gần giống như vắc-xin AstraZeneca, vì tác dụng bảo vệ được mang lại bởi mũi tiêm thứ 2 hầu như không đáng kể.
Các nhà khoa học này không tham gia vào việc tạo ra vắc-xin AstraZeneca, loại vắc-xin có nguồn gốc từ trường đại học Oxford.
Tomas Hanke, Giáo sư miễn dịch học vắc-xin tại Viện Oxford’s Jenner, suy đoán rằng mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca tạo ra khả năng miễn dịch lâu dài hơn vì protein gai của nó tồn tại lâu hơn, thúc đẩy phản ứng miễn dịch nhiều hơn.
Theo ông: “Khi bạn cung cấp RNA, ví dụ như là vắc-xin Pfizer/BioNTech, bạn cung cấp một số lượng hữu hạn các phân tử mRNA mà cuối cùng chúng sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống. Nhưng khi bạn cung cấp adenovirus, ví dụ như là vắc-xin AstraZeneca, bạn cung cấp một khuôn mẫu mà sau đó vẫn tiếp tục tạo ra các mRNA này, các mRNA sau đó mRNA lại tạo ra protein gai, và cứ như vậy tiếp diễn.”
Một bản in trước (một phiên bản của một bài báo học thuật hoặc khoa học trước khi được bình duyệt chính thức và xuất bản trên một tạp chí học thuật hoặc khoa học đã được bình duyệt) dựa trên bằng chứng thu thập được tại chuỗi bệnh viện Mayo Clinic ở bang Minnesota của Hoa Kỳ cho thấy khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm COVID-19 đã giảm từ 91% xuống 76% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7/2021 đối với vắc-xin Moderna và từ 89% xuống còn 42% đối với vắc-xin Pfizer/BioNTech.
Không rõ bao nhiêu phần trăm trong số này là kết quả của biến thể Delta (biến thể này chưa xuất hiện ở Minnesota vào tháng 2/2021 nhưng phổ biến vào tháng 7/2021), và bao nhiêu phần trăm là do khả năng miễn dịch suy yếu dần sau nhiều tháng trôi qua kể từ khi được tiêm chủng.
Một nghiên cứu riêng biệt của Qatar tập trung vào biến thể Delta cho thấy hai liều vắc-xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn chặn nhiễm COVID-19 (có hoặc không có triệu chứng) là 60%, trong khi vắc-xin Moderna có hiệu quả 86%.
ĐIỀU NÀY CÓ GÌ MỚI SO VỚI NHỮNG GÌ CHÚNG TA ĐÃ BIẾT?
Các nghiên cứu thế giới thực của Public Health England vào tháng 5/2021 đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn: tiêm 2 mũi vắc-xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng với biến thể Delta. Các nghiên cứu ở Canada và Scotland cho thấy hiệu quả tương ứng là 87% và 79%.
Nhưng các nghiên cứu mới đây cho kết quả nhất quán với nghiên cứu ở Israel, rằng vắc-xin Pfizer/BioNTech chỉ có hiệu quả 41% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng vào tháng 6 và tháng 7/2021. Nghiên cứu của Oxford là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hiệu quả của vắc-xin Pfizer/BioNTech có thể suy giảm nhanh hơn so với vắc-xin AstraZeneca.
Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp giữa các nghiên cứu khác nhau là rất khó. Các bài báo của Hoa Kỳ và Qatar bao gồm những trường hợp nhiễm không triệu chứng - được biết là mang đến những dự đoán thấp hơn về hiệu quả.
Tuy nhiên, Laith Abu-Raddad, một tác giả trong bài báo của Qatar và là giáo sư tại Weill Cornell Medicine, thuộc Đại học Cornell, cho biết kết quả này “khá bất ngờ” vì các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả chống lại biến thể Beta hơn là Delta.
ĐÂY CÓ PHẢI LÀ SỰ SUY YẾU MIỄN DỊCH THEO THỜI GIAN?
Có thể là hiệu quả giảm sút là do khả năng miễn dịch suy yếu, điều này ủng hộ cho quan điểm về việc tiêm liều tăng cường. Các nghiên cứu đã chỉ ra mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian mặc dù các nhà khoa học chưa xác định được mức độ mà từ đó chúng không thể bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19 nữa. Các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như các tế bào T thì khó theo dõi hơn, cũng đóng một vai trò trong việc chống lại virus.
Abu-Raddad cho biết nghiên cứu của ông cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu là có thể nhưng cảnh báo rằng không phải như vậy thì chúng ta không có được bất cứ lợi ích nào, vì vắc xin vẫn ngăn ngừa được nguy cơ COVID-19 diễn tiến nặng.
Koen Pouwels, tác giả chính trong nghiên cứu Oxford, cho biết họ đã tính đến một "danh sách dài" các yếu tố phức tạp, vì vậy là có căn cứ khi cho rằng nguyên nhân là do khả năng miễn dịch suy yếu.
Pfizer/BioNTech đã từng đề xuất rằng cần phải tiêm liều tăng cường, có thể là khoảng 8 đến 10 tháng sau liều thứ hai. Một số cơ quan quản lý đã chấp thuận cho việc tiêm liều tăng cường.
Adam Finn, một thành viên của Ủy ban Tiêm chủng Anh, cho biết “không có bằng chứng rõ ràng” về sự cần thiết của liều tăng cường và khuyến cáo nên thận trọng, đặc biệt là khi một số công ty có “động cơ tài chính mạnh mẽ để đề xuất liều tăng cường”.
VẮC-XIN MODERNA CÓ HIỆU QUẢ HƠN TRÊN BIẾN THỂ DELTA?
Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng vắc-xin Moderna có thể hiệu quả hơn trong việc đối phó với biến thể Delta so với vắc-xin Pfizer/BioNTech.
Trong nghiên cứu ở Minnesota, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm của vắc-xin Pfizer/BioNTech giảm mạnh hơn nhiều do biến thể Delta nhanh chóng thay thế Alpha để trở thành biến thể gây bệnh phổ biến. Một điều phức tạp là các mũi tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech được tiêm trước và vắc-xin Moderna được triển khai gần đây hơn, nhưng các nhà nghiên cứu đã cố gắng loại nhiễu bằng cách chỉ so sánh các nhóm được tiêm chủng trong cùng một tháng.
Các nhà nghiên cứu Oxford chỉ có đủ dữ liệu để nghiên cứu tác động của liều đầu tiên của vắc-xin Moderna nhưng nhận thấy rằng nó có hiệu quả tương đương hoặc cao hơn một liều duy nhất của các loại vắc-xin COVID-19 khác.
Nghiên cứu của Qatar cho thấy tỷ lệ hiệu quả thấp hơn nhiều khi tiêm vắc-xin Pfizer/BioNTech nhưng điều đó không được quy cho thời gian bao lâu kể từ khi được tiêm chủng. Tuy nhiên, Abu-Raddad nói rằng ông không tin rằng đó là lời giải thích duy nhất.
Ông nói: “Cả hai đều là những vắc-xin tuyệt vời nhưng nó có thể là một sự khác biệt liên quan đến liều lượng. Vắc-xin Moderna có nhiều gấp ba lần mRNA (các chỉ dẫn di truyền dạy cơ thể nhận ra protein gai) so với vắc-xin Pfizer/BioNTech."
NHỮNG NGHIÊN CỨU NÀY MANG LẠI NHỮNG THAY ĐỔI GÌ?
Các chuyên gia đã miễn cưỡng đưa ra kết luận ấn tượng từ những nghiên cứu mới này vì những nghiên cứu này có rất nhiều biến số khác.
Những người được tiêm chủng sớm thuộc đối tượng nguy cơ cao, vì vậy họ có thể ít phát triển các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.
“Bạn bao nhiêu tuổi, các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dự đoán rằng bạn đã tiêm vắc-xin cách đây rất lâu cũng có thể là lý do đằng sau việc vắc-xin không thành công và bạn bị nhiễm COVID-19,” Giáo sư Finn nói.
Muge Cevik, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho biết sẽ ngày càng khó giải thích những nghiên cứu như vậy do các yếu tố phức tạp bao gồm thay đổi hành vi, chẳng hạn như sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hoặc khả năng miễn dịch được phát triển sau khi nhiễm bệnh.
Ngay cả khi không có những điều trên, thì có thể vắc-xin trở nên kém hiệu quả hơn, đơn giản chỉ là bởi vì theo thời gian, những người được tiêm chủng tiếp vẫn tiêp tục phơi nhiễm với virus hết lần này đến lần khác.
Yaniv Erlich, một nhà di truyền học cho biết: “Xác suất phơi nhiễm càng cao thì càng có nhiều khả năng bị nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm chủng. Việc này giống với việc tung xúc xắc một lần, hai lần, ba lần và có thể là lần thứ ba họ tung con số sai và bị nhiễm.”
KẾT LUẬN
+ Có những bằng chứng mới gợi ý cho thấy vắc-xin COVID-19 trở nên kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong vẫn được giữ vững.
+ Tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn có thể bị nhiễm COVID-19. Điều quan trọng là cho dù đã được tiêm vắc-xin vẫn phải luôn luôn ghi nhớ áp dụng những biện pháp bảo vệ như 5K (KHẨU TRANG, KHỬ KHUẨN, KHOẢNG CÁCH, KHÔNG TỤ TẬP, KHAI BÁO Y TẾ).
+ Liều tăng cường đã được áp dụng tại một số quốc gia và đang được cân nhắc để áp dụng tại các quốc gia khác để tăng cường đáp ứng miễn dịch bị suy yếu theo thời gian dù đã được tiêm đủ số mũi vắc-xin trước đó.
- Dược sĩ Như Ngọc -
Nguồn tham khảo:
https://www.ft.com/content/49641651-e10a-45f6-a7cc-8b8c7b7a9710
GEL GIỮ ẤM, MỜ RẠN SAU SINH
Hotline: 088 600 9044
Xem thêm