Trẻ bị dị ứng thức ăn l www.lanhtaychan.com
Trẻ bị dị ứng thức ăn thường có các dấu hiệu như nổi ban đỏ ngứa quanh miệng, trong miệng, có khi là nổi khắp toàn thân. Xử lý như thế nào trong trường hợp này?
Tại sao trẻ bị dị ứng thức ăn?
- Dị ứng thức ăn là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với những thành phần trong thực phẩm mà cơ thể cho là “lạ”. Dị ứng thức ăn hay xảy ra ở trẻ có cơ địa dị ứng. Những trẻ có nồng độ kháng thể IgE trong máu cao hơn mức bình thường được xem là có cơ địa dị ứng. Thường thì người thân của những trẻ này cũng có cơ địa dị ứng. Biểu hiện của người có cơ địa dị ứng là hay bị viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, mày đay, hen phế quản...
- Trong thức ăn có những phần tử “lạ” gọi là những dị nguyên, khi vào máu sẽ gắn vào IgE kích thích hệ miễn dịch giải phóng vào máu histamin, serotonin,... gây ra triệu chứng dị ứng.
- Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn, thậm chí là nhiều ngày sau ăn.
Triệu chứng trẻ bị dị ứng thức ăn
Triệu chứng trẻ bị dị ứng thức ăn thường gặp như sau:
- Da: ban đỏ ngứa quanh miệng, trong miệng, thậm chí toàn thân; phù môi, phù quanh mắt, phù mặt.
- Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, phân nhầy máu.
- Mắt: ngứa mắt, chảy nước mắt.
- Mũi: nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi.
- Nếu nặng có thể bị phù thanh môn, co thắt phế quản gây khó thở, thở rít; tụt huyết áp.
Thông thường trẻ bị dị ứng thức ăn nào?
- Cá, hải sản, trứng (đặc biệt là lòng trắng), sữa, các loại hạt (đậu phộng, hạnh nhân), trái cây (việt quất, bí đỏ, cà chua, khoai tây), chất phụ gia dùng trong thức ăn (benzoat, salicylate), gia vị (bột ngọt).
- Dị ứng sữa là dị ứng thức ăn hay gặp và gây lo lắng nhất cho các mẹ vì sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho trẻ trong những tháng đầu đời.
Xử lý khi trẻ bị dị ứng thức ăn như thế nào?
- Loại bỏ ngay ra khỏi thực đơn của cả mẹ (nếu mẹ đang cho bé bú) và bé (nếu bé đang ăn dặm) các các thực phẩm nghi ngờ khiến trẻ bị dị ứng thức ăn.
- Theo dõi kỹ tình trạng trẻ bị dị ứng thức ăn: nếu các triệu chứng không nguy hiểm tính mạng và thuyên giảm dần theo thời gian thì tiếp tục theo dõi, nếu trẻ bị các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, thở rít, thậm chí không thở được, các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nặng theo thời gian thì phải đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.
- Sau khi bác sĩ kiểm tra và có kết luận về việc trẻ bị dị ứng thức ăn không và dị ứng với loại nào thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về cách xử trí cho từng trường hợp.
- Bác sĩ có thể sẽ cho trẻ sử dụng thuốc điều trị, trong đó có thuốc kháng dị ứng. Lưu ý, tuyệt đối không cho trẻ uống bất kỳ loại thuốc gì nếu chưa có sự tư vấn của bác sĩ.
- Đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò: Có thể cho trẻ dùng sữa đậu nành, sữa ngũ cốc nguyên hạt hoặc sữa bò có công thức đặc biệt (đã được loại bỏ một số loại đạm thường gây dị ứng). Trẻ bị dị ứng sữa bò có thể sẽ dị ứng với sữa gia súc khác như dê, trâu...
- Đọc kỹ thông tin thành phần trên vỏ hộp thực phẩm trước khi sử dụng.
Trẻ bị dị ứng thức ăn hiện tại có thể sẽ không bị dị ứng với loại thức ăn đó trong tương lai. Vì vậy, khi trẻ bị dị ứng thức ăn, tốt nhất là trẻ nên được đến bác sĩ để được xác định mức độ dị ứng, khả năng trẻ bị dị ứng trong tương lai, có cần kiêng luôn loại thức ăn đó trong tương lai hay không, liệu trẻ có bị dị ứng thức ăn trẻ đã bị dị ứng trong quá khứ, các cách giúp trẻ dung nạp dần thức ăn gây dị ứng (nghĩa là trẻ dần quen với loại thức ăn đó, chỉ dị ứng nhẹ hoặc không dị ứng khi ăn loại thức ăn đó nữa).
- Dược sĩ Quỳnh Tâm -
Các bài viết của www.lanhtaychan.com có tính chất tham khảo, không thay thế chẩn đoán và điều trị y khoa của bác sĩ.
GEL GIỮ ẤM, MỜ RẠN SAU SINH
Hotline: 088 600 9044
Xem thêm