Đối tượng cần tiêm liều bổ sung của vắc-xin COVID-19 | lanhtaychan.com
CDC Hoa Kỳ khuyến cáo người bị suy giảm miễn dịch mức độ trung bình đến nặng nên tiêm liều bổ sung vắc-xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna).
ĐỐI TƯỢNG CẦN TIÊM LIỀU BỔ SUNG CỦA VẮC-XIN COVID-19
Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình đến nặng nên tiêm liều bổ sung vắc-xin COVID-19, bao gồm:
+ Đang được điều trị ung thư máu.
+ Đã được cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
+ Đã được cấy ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm qua hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
+ Suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (như hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich).
+ Bệnh nhân HIV giai đoạn nặng hoặc không được điều trị.
+ Đang được điều trị bằng corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có thể ức chế miễn dịch.
CDC khuyến cáo nên tiêm cho nhóm đối tượng này liều bổ sung vắc-xin COVID-19 mRNA ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc vắc-xin Moderna.
Nên nói chuyện với Bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân để Bác sĩ đánh giá liệu việc tiêm liều bổ sung có phù hợp hay không.
VÌ SAO NGƯỜI BỊ SUY GIẢM MIỄN DỊCH TRUNG BÌNH ĐẾN NẶNG CẦN TIÊM LIỀU BỔ SUNG CỦA VẮC-XIN COVID-19?
+ Là đối tượng bị nguy cơ cao mắc COVID-19, dễ bị diễn tiến nặng.
+ Sau khi tiêm đủ số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 ban đầu, những đối tượng này có thể không tạo được đáp ứng miễn dịch ở cùng mức độ so với những người không bị suy giảm miễn dịch.
+ Liều bổ sung có thể giúp họ có đủ sự bảo vệ chống lại COVID-19.
VẮC-XIN COVID-19: LIỀU BỔ SUNG KHÁC GÌ LIỀU TĂNG CƯỜNG?
+ Liều bổ sung nhằm cải thiện đáp ứng miễn dịch của nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch trung bình đến nặng sau khi họ đã tiêm đủ số mũi ban đầu. Đến nay CDC chỉ khuyến cáo tiêm liều bổ sung cho nhóm đối tượng này.
+ Liều tăng cường được tiêm cho những người mà đáp ứng miễn dịch có thể đã suy yếu theo thời gian sau khi đã tiêm đủ số mũi ban đầu.
MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ LIỀU BỔ SUNG VẮC-XIN COVID-19
Câu hỏi 1: Liều bổ sung vắc-xin COVID-19 cho nhóm đối tượng suy giảm miễn dịch trung bình đến nặng được khuyến cáo cho những vắc-xin nào?
Đến nay chỉ khuyến cáo áp dụng cho vắc-xin COVID-19 mRNA, cụ thể là vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Câu hỏi 2: Bao lâu sau khi tiêm đủ số mũi vắc-xin COVID-19 ban đầu thì có thể tiêm liều bổ sung?
CDC khuyến cáo nên tiêm liều bổ sung vắc-xin COVID-19 mRNA ít nhất bốn tuần (28 ngày) sau liều thứ hai của vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Câu hỏi 3: Có thể trộn và kết hợp các loại vắc-xin khi tiêm liều bổ sung?
Đối với những người đã nhận được 2 mũi tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, nên tiêm liều bổ sung của cùng một loại vắc xin đó. Không nên tiêm nhiều hơn ba liều vắc-xin mRNA. Nếu loại vắc-xin mRNA được tiêm cho hai liều đầu tiên hiện không có sẵn hoặc người tiêm không nhớ rõ là loại nào, có thể sử dụng hoặc là vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna để tiêm liều bổ sung.
Câu hỏi 4: Những lợi ích khi được tiêm liều bổ sung vắc-xin COVID-19 là gì?
Ở những người có khả năng không đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm đủ số mũi vắc-xin COVID-19 ban đầu, liều bổ sung có thể ngăn ngừa COVID-19 diễn tiến nặng và đe dọa tính mạng. Trong các thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra, vắc-xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa COVID-19 sau khi tiêm đủ 2 liều. Thông tin tuy còn hạn chế nhưng gợi ý rằng trên những người bị suy giảm miễn dịch có khả năng chỉ được bảo vệ thấp hoặc không được bảo vệ sau khi tiêm đủ hai liều vắc-xin COVID-19 mRNA, việc tiêm liều bổ sung của cùng loại vắc-xin đó có thể cải thiện phản ứng miễn dịch để giúp bảo vệ những đối tượng này.
Câu hỏi 5: Những rủi ro của việc tiêm liều bổ sung là gì?
Có rất ít thông tin về rủi ro khi tiêm liều bổ sung vắc-xin COVID-19. Tính an toàn và độ hiệu quả của liều bổ sung vắc-xin COVID-19 ở những người bị suy giảm miễn dịch vẫn tiếp tục được đánh giá. Cho đến nay, các phản ứng phụ được báo cáo sau khi tiêm liều mRNA thứ ba tương tự như của hai liều đầu: mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm. Đây là những phản ứng phụ được báo cáo phổ biến nhất và nhìn chung, hầu hết các triệu chứng đều từ mức độ nhẹ đến trung bình. Cũng như hai liều đầu, tuy rất hiếm khi xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng cần phải lưu ý để yêu cầu hỗ trợ y tế kịp thời.
- Dược sĩ Như Ngọc -
Nguồn tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/recommendations/immuno.html (lần cập nhật mới nhất 20/8/2021)
GEL GIỮ ẤM, MỜ RẠN SAU SINH
Hotline: 088 600 9044
Xem thêm