Tiêm liều tăng cường của vắc-xin COVID-19: có cần thiết hay không?
Nếu đủ các điều kiện thì mũi tăng cường sẽ được tiêm vào thời điểm 8 tháng sau khi tiêm đủ hai liều của vắc-xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna).
**Theo thông tin từ website Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 20/8/2021.
KHI NÀO CÓ THỂ TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG CỦA VẮC-XIN COVID-19?
Nếu các cơ quan thẩm quyền cho phép và nếu cá nhân đủ điều kiện tiêm thì mũi tăng cường sẽ được tiêm vào thời điểm 8 tháng sau khi tiêm đủ hai liều của vắc-xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna). Điều này tùy thuộc vào sự cho phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và khuyến nghị của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của CDC. FDA đang tiến hành đánh giá độc lập để xác định tính an toàn và hiệu quả của liều tăng cường của vắc-xin mRNA. ACIP sẽ quyết định có đưa ra khuyến cáo liều tăng cường hay không dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng.
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ƯU TIÊN TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG
Nếu FDA cho phép và ACIP khuyến nghị liều tăng cường, đối tượng được ưu tiên để tiêm liều tăng cường là những người có nguy cơ cao nhất đối với COVID-19, bao gồm nhân viên y tế, khách hàng/bệnh nhân tại các cơ sở chăm sóc dài hạn và những người lớn tuổi.
TẠI SAO CẦN TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG?
Các vắc-xin COVID-19 có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi biến thể Delta đang lưu hành rộng rãi. Tuy nhiên, COVID-19 không ngừng phát triển các biến thể mới. Các chuyên gia đang xem xét tất cả các dữ liệu hiện có để hiểu được vắc-xin đang hoạt động tốt như thế nào và các biến thể mới, như biến thể Delta, ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc-xin. Nếu FDA cho phép và ACIP khuyến nghị, mục tiêu là mọi người sẽ được tiêm liều tăng cường vào thời điểm được khuyến cáo.
TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG NGHĨA LÀ 2 MŨI VẮC-XIN TRƯỚC KHÔNG CÓ TÁC DỤNG?
Không phải như vậy. Vắc-xin COVID-19 đang hoạt động rất hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ diễn tiến bệnh nặng, nhập viện và tử vong, ngay cả khi biến thể Delta đang lưu hành rộng rãi. Tuy nhiên, với biến thể Delta, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng bắt đầu nhận thấy khả năng bảo vệ của vắc-xin chống lại bệnh nhẹ và trung bình bị giảm đi. Vì lý do đó, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) đang lên kế hoạch cho một mũi tiêm nhắc lại (tức là liều tăng cường) để những người được tiêm chủng duy trì sự bảo vệ trong những tháng tới.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮ LIỀU TĂNG CƯỜNG VÀ LIỀU BỔ SUNG?
+ Liều tăng cường: khái niệm này đề cập đến một liều vắc-xin khác được tiêm cho người đã có đủ khả năng bảo vệ sau khi tiêm chủng, nhưng sau đó khả năng bảo vệ này giảm theo thời gian (được gọi là khả năng miễn dịch suy yếu). HHS đã phát triển một kế hoạch để bắt đầu cung cấp các mũi tiêm tăng cường của vắc-xin COVID-19 vào thời gian sắp tới. Việc thực hiện kế hoạch phải tuân theo sự cho phép của FDA và khuyến nghị của ACIP.
+ Liều bổ sung: Đôi khi những người bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình đến nặng không có hoặc không đạt đủ đáp ứng miễn dịch để được bảo vệ trước COVID-19 dù đã được tiêm đủ 2 mũi tiêm vắc-xin COVID-19 trước đó. Do đó, việc tiêm thêm một liều vắc-xin nữa (trường hợp này gọi là liều bổ sung) có thể giúp họ tăng cường khả năng bảo vệ chống lại COVID-19. CDC khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch ở mức độ trung bình đến nặng nên cân nhắc tiêm liều bổ sung (mũi thứ ba sau 2 mũi đã tiêm trước đó) của vắc-xin COVID-19 mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) ít nhất 28 ngày sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm ban đầu.
- Dược sĩ Như Ngọc -
Nguồn tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/booster-shot.html (lần cập nhật mới nhất 20/8/2021).
GEL GIỮ ẤM, MỜ RẠN SAU SINH
Hotline: 088 600 9044
Xem thêm